Ở Việt Nam Vận chuyển động vật

Với thú nuôi

Ở Việt Nam, Luật giao thông đường bộ 2008 quy định, tùy theo loài động vật sống, người kinh doanh vận tải yêu cầu người thuê vận tải bố trí người áp tải để chăm sóc trong quá trình vận tải. Người thuê vận tải chịu trách nhiệm về việc xếp, dỡ động vật sống theo hướng dẫn của người kinh doanh vận tải; trường hợp người thuê vận tải không thực hiện được thì phải trả cước, phí xếp, dỡ cho người kinh doanh vận tải. Việc vận chuyển động vật sống trên đường phải tuân theo quy định của pháp luật về vệ sinh, phòng dịch và bảo vệ môi trường[1].

Luật giao thông đường bộ 2008 quy định nghiêm cấm việc chở hàng nguy hiểm, hàng có mùi hôi thối hoặc động vật, hàng hóa khác có ảnh hưởng đến sức khỏe của hành khách. Mặc dù luật không quy định rõ các loài động vật nào có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của hành khách[2], nhưng có thể hiểu chó và mèo cũng được xem là động vật và có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người vì trong cơ thể chúng chứa những loại bệnh như bệnh dại. Ngoài ra, những móng vuốt sắc nhọn của mèo không chỉ gây tổn thương mà còn đem theo những mầm bệnh nguy hiểm, ngoài ra ở Việt Nam có từ 5-7% người bị dị ứng lông chó mèo, thường gặp ở những người mắc hen, viêm mũi dị ứng, nổi mề đay[1].

Đối với vận chuyển bằng đường sắt, theo quy định tại điều 68 Luật đường sắt: Việc vận tải động vật sống trên đường sắt phải tuân theo các quy định về vệ sinh, phòng dịch, bảo vệ môi trường và các quy định về vận tải hàng hóa trên đường sắt. Vì vậy khi muốn vận chuyển thú cưng bằng đường sắt cần đảm bảo không bị dịch bệnh, tiêm ngừa văcxin đầy đủ. Ngoài ra theo quy định về việc vận tải hành khách, hành lý, bao gửi trên tuyến đường sắt quốc gia thì hành lý xách tay được mang theo là động vật sống (trừ chó cảnh, mèo, chim, cá cảnh) nhưng phải có trang bị thích hợp để giữ gìn vệ sinh, không gây ảnh hưởng tới người xung quanh.

Với vật nuôi

Vận chuyển lợn không đảm bảo đúng điều kiện

Ở Việt Nam có nguy cơ bùng phát các dịch bệnh trên gia súc, gia cầm như bệnh dịch tả lợn Châu Phi, heo tai xanh, bệnh cúm gia cầm A/H5N6, A/H5N1; bệnh lở mồm long móng gia súc. Trong khi đó nhu cầu vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm tiêu thụ phục vụ các lễ hội đầu năm tăng cao. Việc nuôi mới tái đàn lợn, đàn gia cầm tăng cao, trong khi đó, điều kiện tái đàn của hộ chăn nuôi chưa thực sự đảm bảo yêu cầu an toàn sinh học, nhu cầu vận chuyển lợn giống, gia cầm giống lớn nên nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm phát sinh, lây lan trên đàn gia súc, gia cầm là rất lớn.

Hằng ngày, vào những khung giờ cố định thường bắt gặp việc vận chuyển lợn đã giết mổ không che chắn, không có thùng bảo quản, bất chấp sự kiểm soát của cơ quan chức năng, đến các chợ dân sinh tiêu thụ. Điều này vừa gây mất vệ sinh, mỹ quan đô thị mà còn khiến thịt lợn bị nhiễm vi sinh, vi khuẩn, giảm chất lượng và lây lan vi rút gây bệnh ra môi trường. Trên những con đường quốc lộ, tỉnh lộ, hương lộ ở Việt Nam không có để bắt gặp những cảnh phóng uế của các loài vật nuôi vương vãi ra đường.

Các lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương thường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật ra vào địa bàn, đặc biệt là gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, để phát hiện và xử lý những tổ chức, cá nhân kinh doanh, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, ấp nở gia cầm vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch động vật; ngăn chặn mầm bệnh nguy hiểm lây lan vào đàn vật nuôi, những trường hợp vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc, việc kiểm soát hoạt động vận chuyển và giết mổ trái phép gia súc, gia cầm là bài toán khó.